Làm sao để vận dụng NLP hiệu quả nhất? Trước tiên phải hiểu “Nguyên lý hoạt động của NLP”
Như đã nói trong bài viết trước, “NLP là kỹ thuật mô phỏng hình mẫu để tạo nên khác biệt giữa trung bình và xuất sắc trong cùng một lĩnh vực!”. Nghĩa là khoa học NLP đã công thức hóa cho bạn, lập thành quy trình các bước cho bạn, chọn sẵn cho bạn những mẫu hình hiệu quả, xuất sắc nhất để khi bạn tiến hành làm mọi việc là đạt kết quả chính xác. NLP cho bạn các mẫu để bạn áp dụng, từ cách tư duy, cách hiểu một vấn đề cụ thể, đến cách giao tiếp, triển khai làm một công việc cụ thể… bạn chỉ việc áp dụng theo đúng mẫu của NLP thì mọi việc xảy ra đúng với điều bạn muốn.s
Ví dụ, bạn muốn thiết lập một mục tiêu kinh doanh, thì NLP có kỹ thuật thiết lập mục tiêu và phương pháp hành động khả thi là: “Công thức thành công tuyệt đỉnh” để bạn áp dụng. Bạn chỉ việc lắp dữ liệu của bạn vào theo tuần tự các bước mà công thức này yêu cầu là bạn có một bản kế hoạch rõ ràng, đầy đủ các chi tiết như các việc phải làm, các nguồn lực phải chuẩn bị, các việc phải giải quyết, các hành động của bạn phải xảy ra… Và khi ra thực tế, bạn chỉ việc hoàn thành tuần tự các bước mà “Công thức thành công tuyệt đỉnh” đã vạch ra cho bạn là bạn đạt mục tiêu, kết quả 100%.
Nguyên lý hoạt động của NLP
Bây giờ, cùng sâu để hiểu rõ trong bộ não con người tích lũy những gì. Và khi bộ não tích lũy những dữ liệu ấy thì nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài tương ứng như thế nào.
NLP là viết tắt của 3 từ Neuro – Linguistic – Programming tạm dịch là Lập trình ngôn ngữ tư duy. Bây giờ, chúng ta cùng phân tích 3 thành tố để hiểu sâu sắc nguyên lý hoạt động của NLP
1.N – (Neuro) là nói về hệ thần kinh, bộ não của con người. Bộ não của chúng ta, là kho chứa lưu giữ những trải nghiệm cuộc sống, kiến thức cuộc sống, kinh nghiệm cuộc sống, cảm nhận về mọi khía cạnh cuộc sống của mỗi người từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại.
Bộ não mỗi người sẽ lưu chứa những trải nghiệm cuộc sống của một người qua việc họ nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy mọi chuyện xảy ra xung quanh. Ví dụ, khi còn bé, mỗi chúng ta đều nhìn thấy bố mẹ đi làm việc, bố mẹ chăm sóc chúng ta, bố mẹ giải quyết các công việc gia đình, mối quan hệ, ứng xử với xung quanh… những điều này được lưu trữ trong bộ não đứa trẻ (là chúng ta lúc ấu thơ). Rồi lớn lên chút nữa, chúng ta bắt đầu đi học và những kiến thức, trải nghiệm ở trường học với cô giáo, bạn bè, môi trường sống… tiếp tục tích lũy vào bộ não. Khi trưởng thành, mỗi chúng ta tiếp cụ đi học đại học, tốt nghiệp đại học thì đi làm việc… và những kiến thức, trải nghiệm của giai đoạn trưởng thành này tiếp tục lưu trữ trong não mỗi chúng ta.
Rồi mỗi chúng ta lập gia đình, sinh con cái, nuôi dạy con cái… ta lại dùng tất cả những kiến thức, năng lực trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân để dạy lại con cái, định hướng nghề nghiệp, cuộc sống con cái… như cách mà bố, mẹ mỗi chúng ta đã dạy chúng ta.
Ở phần này, tôi muốn bạn lưu ý điều đặc biệt quan trọng này, đó là bố mẹ chúng ta chỉ dạy chúng ta những gì mà bố mẹ biết, điều gì bố mẹ không biết thì chúng ta không thể biết. Điều không may là những gì bố mẹ dạy dỗ, uốn nắn chúng ta ở giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi và giai đoạn tiếp theo từ 7 đến 14 tuổi… là giai đoạn quan trọng nhất, nó hình thành nên tư duy cốt lõi của mỗi chúng ta khi trưởng thành. Và ở giai đoạn trưởng thành, khi mỗi chúng ta ứng xử, ra quyết định trước mỗi vấn đề, hiện tượng, sự kiện của công việc, cuộc sống thì ta thường mang “tư duy cốt lõi” ra để phân tích, ứng xử, giải quyết.
Vì thế hãy nhìn cuộc sống của bạn hiện tại đang như thế nào chính là do “tư duy cốt lõi” trong não của bạn đang chỉ đạo bạn. Mà nguồn gốc bạn có tư duy cốt lõi đó là do bố, mẹ bạn đã “cài đặt” cho bạn. Bây giờ, cái tư duy cốt lõi này đang chỉ đạo bạn tạo ra cuộc sống của bạn hiện tại.
Bạn có thấy sự khác biệt của mỗi người khi sinh ra, lớn lên ở các vùng miền khác nhau không? Ví dụ về ngôn ngữ, những người sinh ra ở miền Bắc thì nói tiếng miền Bắc, người sinh ra ở miền Nam thì nói tiếng miền Nam. Và về hành vi, điển hình nhất là thói quen ăn, nhậu – thời gian của người miền Bắc khi ăn nhậu chỉ khoảng một tiếng rưỡi đến 2 tiếng, còn người miền Nam sẽ kéo dài hơn, thường là ba, bốn tiếng hoặc kéo dài qua hơn một ngày. Vì sao lại như vậy? Đó là thói quen của những tư duy, nét sinh hoạt đã hình thành, ăn sâu trở thành thói quen bình thường trong cuộc sống mỗi người, mỗi vùng miền. Và khi bên trong bộ não mỗi người được cài đặt tư duy, hành vi sống từ nhỏ sẽ trở thành thói quen ứng xử của mỗi người trong mọi khía cạnh cuộc sống. Và chính thói quen đó tạo nên kết quả cụ thể trong mỗi khía cạnh của mỗi người.
Hãy tạm nhận thức về bộ não như vậy, rồi ở các chương tiếp theo, tôi sẽ giúp bạn đi sâu vào tìm hiểu bộ não của bạn nó lưu trữ những gì và những thứ đó đang chỉ đạo bạn như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.
2. L – (Linguistic) là nói về ngôn ngữ mỗi chúng ta nói hàng ngày, ta dùng để giao tiếp với nhau, diễn giải với nhau về cuộc sống, mối quan hệ, diễn giải về trải nghiệm cuộc sống, chia sẻ với nhau kiến thức, kinh nghiệm, cảm nhận cuộc sống, dùng để giao nhiệm vụ công việc trong cơ quan, doanh nghiệp hay các nội dung giao tiếp khác.
Chúng ta dùng ngôn ngữ để giao tiếp với con cái, vợ chồng, bố, mẹ, anh chị em trong gia đình. Mục đích của mỗi giao tiếp này khác nhau, ví dụ với con cái thì cần phải có ngôn ngữ để con cái hiểu được, cảm nhận được cuộc sống, để chúng vui vẻ, tự tin phát triển các cảm xúc, năng lực bản thân.
Chúng ta dùng ngôn ngữ để giao tiếp với các mối quan hệ trong xã hội như đối tác, đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè…Mục đích mỗi nội dung giao tiếp cũng khác nhau, đòi hỏi ta phải có ngôn ngữ, cách thức truyền thông đúng mới trở nên hiệu quả. Nghĩa là cách nói, thuyết trình, chia sẻ vấn đề như thế nào để người nghe dễ hiểu, dễ cảm nhận, dễ làm được nếu họ muốn làm.
Nói tóm lại, con người chúng ta dùng ngôn ngữ để giải nghĩa về những điều ta muốn nói với mọi người nhằm đạt một mục đích cụ thể. Cho nên ngôn ngữ được định nghĩa: “Ngôn ngữ cách truyền đạt suy nghĩ, ý kiến của mình mà không bị hiểu lầm”.
Từ định nghĩa trên, bạn hãy thử liên tưởng ra cuộc sống của bạn, bạn đã dùng ngôn ngữ hiệu quả chưa khi giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, cấp trên, cấp dưới, khách hàng… Bạn dùng ngôn ngữ như thế nào khi giao tiếp với người trong gia đình, cụ thể như vợ – chồng, con cái.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình giao tiếp để một lát nữa hai vợ chồng sẽ cãi nhau? Chắc chắn là không rồi, nhưng tại sao đúng một lát sau khi hai vợ chồng giao tiếp qua lại thì cuộc giao tiếp lại trở thành cuộc cãi nhau? Bạn đã dùng ngôn ngữ gì vậy để khiến cuộc giao tiếp đi không đúng hướng, đúng mục đích bạn muốn?
Và xin lưu ý, ngôn ngữ của bạn nó được chỉ đạo bởi yếu tố thứ nhất – Neuro. Nghĩa là bên trong não bạn nghĩ sao thì ngôn ngữ của bạn sẽ bật ra dùng như vậy.
3. P – (Programming) là nói về chương trình, cách thức, quy trình của hành vi, hành động và ứng xử của con người trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta có cách đi, đứng, làm, ngủ, nghỉ, cách xử lý, giải quyết vấn đề, cách suy nghĩ và ra quyết định hành động khác nhau trong cuộc sống.
Ví dụ, bạn có một quy trình của mình cho việc đi và đỗ xe của bạn ở nơi làm việc. Nghĩa là hàng ngày để đi đến nơi làm việc, bạn thường đi cung đường ấy và đến cơ quan, cơ sở bạn làm việc bạn thường đỗ xe đúng chỗ đó mà không phải là hôm nay bạn đỗ chỗ này, mai bạn lại đỗ chỗ khác.
Bạn có quy trình trong mọi việc, từ đánh răng, rửa mặt cho đến mặc quần áo, ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ. Bạn có quy trình, thứ tự từng bước trong mọi việc bạn làm và nó là những hành vi lặp đi lặp lại hàng ngày của bạn. Đây chính là chương trình hành động – hành vi của bạn thể hiện bản thân trong mọi việc để tạo ra kết quả cuộc sống của bạn.
Và xin lưu ý, hành động, hành vi của bạn được chỉ đạo từ bộ não của bạn, yếu tố N – Neuro. Nghĩa là bên trong não của bạn nghĩ như thế nào, thì hành vi của bạn sẽ theo chỉ đạo đó mà làm.
Ví dụ, bạn đang di chuyển trên đường đi và bây giờ là thời điểm giờ cao điểm buổi sáng, não của bạn sẽ phát tín hiệu là sẽ rẽ tay phải ở ngã tư phía trước để đi nhanh hơn, không bị tắc đường như mọi hôm… vậy là khi đến ngã tư đó, tự động hành vi của bạn sẽ bẻ tay lái để rẽ phải.
Với 3 từ N – L – P được diễn giải cụ thể nêu trên, tôi muốn bạn lưu ý yếu tố then chốt trong ba từ là chữ N (Neuro) – bộ não, thần kinh, tư duy. Đây là yếu tố chỉ huy 2 yếu tố còn lại, cụ thể là bộ não chỉ đạo ngôn ngữ (Linguistic) và hành vi (Programing) của con người.
- Bây giờ, bạn muốn mình có năng lực giao tiếp xuất sắc chứ?
Bạn muốn mình khi nói ra là nói những ngôn thông minh, thu hút, gây ấn tượng và uy lực mạnh với mọi người chứ? Bạn phải lập trình lại tư duy, tiếng nói bên trong bộ não của bạn, từ đó nó sẽ chỉ đạo tiếng nói bên ngoài của bạn tương ứng.
- Bạn muốn mình có năng lực xuất sắc khi làm việc chứ?
Bạn phải lập trình lại ngôn ngữ tư duy, cho nó sở hữu những công cụ, kỹ thuật, quy trình xuất sắc thì tiếp theo, nó sẽ chỉ đạo hành vi, hành động của bạn ở bên ngoài để tạo ra kết quả xuất sắc.
- Bạn muốn mình có tư duy xuất sắc chứ?
Bạn phải lập trình lại ngôn ngữ tư duy của bạn, bằng cách cho nó sở hữu những phương pháp tư duy đúng, đó là phương pháp tư duy của những người thành công, người xuất sắc trong cuộc sống. Khi bộ não bạn tư duy theo cách xuất sắc nó sẽ nhận được kiến thức, kĩ năng xuất sắc. Khi bên trong nó là kiến thức, kỹ năng xuất sắc nó sẽ chỉ đạo tư duy, hành vi bên ngoài của bạn xuất sắc.